Bạn nên thuộc nằm lòng những điều này để không bị mất tiền oan trong thẻ ATM gắn chip

Thẻ ATM gắn chip sau khi được các ngân hàng hỗ trợ chuyển đổi so với thẻ ATM trước đây thì mang ưu thế mạnh mẽ hơn hẳn. Song, việc chuyển sang sử dụng thẻ ATM gắn chip cũng đồng thời dễ bị những kẻ xấu lợi dụng các kẻ hở không mấy người dân chú ý đến mà “xin tiền” các chủ tài khoản.

Trong quá trình sử dụng thẻ ATM gắn chip, chỉ cần có một sơ suất nhỏ nào đó từ bạn thôi cũng sẽ tiếp tay cho kẻ xấu “xin tiền” trong thẻ mình bất cứ lúc nào. Hãy cùng APP LIVE tìm hiểu những lưu ý nên nhớ nằm lòng để tránh bị những kẻ xấu lợi dụng khi sử dụng thẻ ATM gắn chip trong bài viết ngay sau đây nhé.

Không nên đặt mật khẩu quá dễ đoán cho thẻ ATM gắn chip

Điều đầu tiên bạn cần phải chú ý là mật khẩu của thẻ ATM gắn chip bởi vì hầu hết các vụ trộm tiền trong tài khoản đều do kẻ xấu đã biết hoặc đoán được mật khẩu thẻ của bạn. Theo như nghiên cứu về thói quen của người dùng, hơn 73% các chủ tài khoản thường sử dụng các thông tin cá nhân như ngày sinh của chính mình, của người thân hoặc dãy số trên CMND/CCCD và đôi khi họ dùng cả các chuỗi số trùng nhau. Tuy nhiên, bạn thử nghĩ xem, xác suất để kẻ xấu có thể chạm và mở được tài khoản của bạn khi đã nắm rõ các thông tin với mớ mật khẩu dễ đoán như trên là thấp hay cao? Chắc có lẽ bạn cũng có được câu trả lời cho mình rồi phải không nào. Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không nên đặt mật khẩu dễ đoán cho tài khoản ngân hàng của mình đâu nha!

Bảo vệ và bảo đảm thẻ ATM gắn chip luôn an toàn

Sau khi đã nâng cấp lên thẻ ATM gắn chip, tùy thuộc vào ngân hàng và hạn mức thanh toán mà người dùng hoàn toàn có thể thanh toán mà không cần phải nhập lại mật khẩu thẻ. Việc này được đánh giá là rất tiện lợi cũng như giúp hạn chế sự tiếp xúc thẻ qua tay của những người khác để tránh bị mất thông tin. Dù vậy, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao nếu thẻ vô tình rơi vào tay kẻ khác.

Sau khi thực hiện các giao dịch, bạn phải đảm bảo chắc chắn rằng đã cất kỹ thẻ ATM gắn chip của mình vào một vị trí thật an toàn, không được đánh rơi mất thẻ vì có thể ngay vài phút sau đó, những con số trong tài khoản ngân hàng của bạn sẽ “bốc hơi” không dấu vết đấy! Ngoài ra, bạn cũng đừng nên đưa thẻ cho bất cứ ai mượn hoặc nhờ họ rút tiền hộ. Trong trường hợp nếu thanh toán bằng máy POS thì tuyệt đối không được đưa thẻ cho nhân viên thu ngân mang đi chỗ khác nhé. Hãy cất giữ và bảo quản thật kĩ thẻ ATM gắn chip!

Không được để lộ thông tin, mật khẩu của thẻ ATM gắn chip

Bạn cần xây dựng cho mình một thói quen là thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking cũng như mã PIN của thẻ ATM gắn chip. Đồng thời, bạn cũng không nên sử dụng các tính năng lưu mật khẩu trên trình duyệt để dễ đăng nhập tự động cho các lần sau đâu nhé. Vì rất có thể nó sẽ giúp kẻ xấu dễ dàng truy cập vào vùng lưu mật khẩu trình duyệt của bạn và lấy mật khẩu đi đấy. Một điều khác bạn cần lưu ý khi rút tiền tại cây ATM là nên dùng tay để che bàn phím, đồng thời kiểm tra kỹ xem khe đút thẻ hay bàn phím có bị lỏng lẻo hay không.

Cẩn thận với các giao dịch trực tuyến với thẻ ATM gắn chip

Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao kéo theo đó là hàng loạt các công nghệ số hiện đại hỗ trợ người dùng. Trong đó phải kể đến sự tiện lợi và hữu ích của các giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì các giao dịch trực tuyến cũng đang ẩn chứa các nguy cơ “xin tiền nóng” từ những kẻ lừa đảo trực tuyến. Khi tham gia các giao dịch trực tuyến, bạn nên lưu ý:

  • Không được trả lời các email lạ, không nhấp vào các đường link không rõ ràng hoặc đường link yêu cầu nhập thông tin cá nhân và thông tin thẻ ATM gắn chip.
  • Nên nhập địa chỉ của ngân hàng điện tử chính thức trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không được bấm vào đường link được gửi qua email hay từ các tin nhắn lạ khác. 
  • Chỉ nên đăng nhập (username) và mật khẩu của Internet Banking tại trang web chính thức của ngân hàng đó.
  • Chỉ nên mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website có độ uy tín cao, chính thức của các ngân hàng hoặc các đơn vị bán hàng online đáng tin cậy có các chính sách bảo mật giao dịch cao. Trong bất kì trường hợp nào, tuyệt đối không được cung cấp các thông tin thẻ ATM gắn chip của mình qua các trang mạng xã hội.
  • Giữ bí mật về thông tin bảo mật của các dịch vụ ngân hàng. Không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu cũng như mã OTP, mã PIN cho bất cứ ai, kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng. (Ngân hàng sẽ không bao giờ buộc người dùng phải cung cấp các thông tin thẻ dù trong bất cứ trường hợp nào).
  • Hạn chế sử dụng wifi công cộng, wifi tại các quán cà phê để truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình; thường xuyên tải và cập nhật lại các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa và những phiên bản mới nhất của các ứng dụng do ngân hàng cung cấp. Hãy nhớ phải luôn thoát ra khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng có liên kết với dịch vụ ngân hàng điện tử và những website thương mại điện tử ngay sau khi phiên giao dịch của bạn đã hoàn thành.

Đăng ký dịch vụ SMS Banking của ngân hàng

Để có thể theo dõi và cập nhật nhanh nhất tình trạng tài khoản ngân hàng của mình, chủ tài khoản nên đăng ký dịch vụ SMS Banking của ngân hàng để được cung cấp thông tin về số điện thoại. Nếu có bất cứ biến động nào đáng ngờ xảy ra thì ngân hàng sẽ nhanh chóng nhắn tin thông báo đến cho chủ tài khoản ngay lập tức. Như vậy, bạn có thể phát hiện sớm các truy cập rút, chuyển tiền trái phép trong tài khoản của mình và có được biện pháp xử lý hoặc thông báo với ngân hàng để nhận sự hỗ trợ kịp thời trước khi mọi thứ quá muộn.

Lưu ý: Mức phí đăng ký dịch vụ SMS Banking của từng ngân hàng là khác nhau, do vậy bạn nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng cung cấp để được phổ biến thông tin chính xác nhất.

Cách đóng/khóa thẻ ATM gắn chip ngay sau khi bị mất

Nếu như bạn có lỡ đánh rơi hoặc làm mất thẻ ATM gắn chip thì việc đầu tiên bạn cần làm là báo ngay với ngân hàng để ngân hàng có thể nhanh chóng đóng/khóa tài khoản của bạn. Từ đó giúp bạn tránh được các giao dịch trái phép hoặc thanh toán, rút tiền từ tài khoản của mình.

Một số cách để đóng/khóa thẻ đó là:

Cách 1: Bạn có thể đi đến quầy giao dịch ngân hàng cấp thẻ gần nhất lúc đó để yêu cầu nhân viên đóng tài khoản thẻ ATM gắn chip giúp cho bạn.

Cách 2: Khóa tài khoản thẻ ATM gắn chip bằng cách đăng nhập vào Internet Banking là cách an toàn và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Cách này vừa tiết kiệm được thời gian đi lại vừa chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là có thể hoàn thành quá trình ngay.

Cách 3: Liên hệ ngay cho tổng đài để yêu cầu khóa tài khoản thẻ ATM gắn chip cũng là cách mà rất nhiều người ưu tiên lựa chọn bởi nó không hề mất thời gian đi lại.

Tạm kết:

Trên đây là các lưu ý cần phải nắm khi sử dụng thẻ ATM gắn chip để tránh bị người lạ “xin tiền” từ tài khoản của mình được APP LIVE tổng hợp lại. Nếu như bạn nhận thấy còn lưu ý nào cần thiết nữa thì đừng ngần ngại để lại bình luận chia sẻ nhé. Chúc bạn thành công bảo vệ thẻ của mình!